Thứ Năm, 1 tháng 3, 2018

Chuyện ông Park

.
Chiều qua ngồi nhậu trong quán lẩu cua đồng Thị Nghè, thấy bàn bên là mấy cậu mặc đồ công sở và ngồi tâm sự, chắc mới đi làm về. Bản chất nghe lén của Tony bỗng dưng trỗi dậy, cũng tại mấy cậu nói to quá. Một cậu than thở dạo này công ty tao đủ chuyện hết. Khách hàng nợ dây dưa không trả, rồi nhiều sự cố nên cả công ty ai cũng mệt mỏi, tao cũng buồn. Thằng bên cạnh chửi nói mày ngu quá, mắc mớ gì căng thẳng, chuyện công ty là của công ty chứ có phải của mày đâu. Nó mà không trả lương đầy đủ thì mày mới lo.

Một cậu khác nói tao lớn tuổi nhất ở đây, tụi mày phải nghe. Việc thằng H buồn chuyện công ty như vậy là sai. Chuyện của họ để họ giải quyết, nhắm không ổn là nghỉ việc ngay. Như ở ngân hàng của tao nè, dù có 10 việc ngày hôm đó, nhưng tao làm 5 việc thôi, để dành 5 việc kia bữa sau làm tiếp. Chứ làm hết rồi mấy ổng thấy làm nhanh quá lại giao việc nữa. Ông sếp trực tiếp tao mắt mũi như cú vọ, cứ nhìn nhìn coi ai rảnh là giao việc. Nên tao làm gì cũng kéo dài ra thiệt lâu. Làm cho lắm cũng mấy ông trong hội đồng quản trị ngân hàng giàu chứ tao vẫn vậy.

Cậu còn lại gật gù, khuyên thôi mày cứ nộp đơn chỗ khác đi. Gửi nhiều chỗ vào. Cái cậu H mới phân bua, nói tao là nhân viên chứng từ đâu có ra ngoài được mà đi phỏng vấn. Cái 3 đứa kia chửi ngu tiếp, nói thì mày kiếm lý do gì đó trốn ra. Giả bộ nói mẹ bệnh phải đưa đi khám bác sĩ. Hay sáng đó mày nói nhức đầu tiêu chảy gì đó không lên văn phòng được. Thật thà cha dại, trốn tìm cơ hội tốt hơn. Nhắm không kiếm chác gì được ở đó thì chuồn. Cậu H nghe và có vẻ xiêu xiêu theo. Rồi cả bốn cậu đều cụng ly dzô dzô. Sống trên đời này, phải lo trước cho mình, đó là sự khôn ngoan - cậu lớn tuổi nhất khuyên bảo cả nhóm.

Tony chợt nhớ lúc còn đi học, vào lúc nghỉ hè, Tony vô một xí nghiệp may mặc của Hàn Quốc ở Bình Dương, xin thực tập không lấy lương để quen việc xuất nhập khẩu. Lúc đó nhà máy cũng bị lâm vào khó khăn tài chính, khủng hoảng tài chính 1997 thì phải, tới tháng thứ 3 thấy công ty vẫn không trả được lương. Ông giám đốc người Hàn tên Park có họp và nói mọi người thông cảm, ráng gánh gồng giùm cho ổng vì hàng không xuất được, bên Hàn Quốc không cho ổng vay tiền nữa vì thắt chặt tài chính theo đơn thuốc của IMF. Tony thấy xe hơi ổng cũng bán, vợ con thì về nước hết, hằng ngày ổng đi lên nhà máy bằng xe ôm. Bình thường ổng cầm theo cái cà mèn ( cặp lồng), vợ ổng nấu cơm kiểu Hàn cho ổng mang theo, giờ vợ con về quê hết nên buổi trưa ổng ra trước ăn dĩa cơm bụi có mấy ngàn đồng như công nhân. Nhưng chỉ có vài nhân viên còn trẻ như Tony là thương ổng, mấy anh mấy chị lớn chửi quá trời. Nói mắc mớ gì thông cảm, tụi này cũng cần tiền để sống vậy. Ổng làm chủ công ty thì phải có tiền chứ, không có tiền thì đừng có qua đây xây nhà máy, đừng có làm ăn. Một buổi sáng nọ, Tony vô công ty và không thấy chị trưởng phòng XNK tên Đài đâu cả, cái Tony mới gọi điện về nhà hỏi thì chị Đài nói tao nghỉ việc rồi. Tao cầm cái máy fax và mấy giấy tờ quan trọng của công ty về nhà coi như siết nợ, mày nói với ông Park có trả lương tao thì tao mang lên trả.

Ổng thương nhân viên người Việt ghê lắm, nhất là chị Đài, người được ổng đào tao từ lúc mới ngáo ngơ ra trường. Sáng đó ổng kêu Tony giúp ổng gửi cái công văn này cho một công ty Hồng Công. Tony đọc thấy hợp đồng bán thanh lý toàn bộ nhà máy. Ổng kêu chị Lan kế toán vô, bảo các bạn mai không cần phải đi làm nữa, tuần sau lên nhận lương, công ty sẽ không nợ ai một đồng nào, bù cho mỗi người 1 tháng lương để đi tìm việc mới. Ổng nói xin lỗi, nói làm chủ mà không lo được cho mọi người, rồi nói gì dài lắm, tiếng Anh giọng Hàn cứ xí xô xí xào, nghe bắt mệt. Cái thôi, Tony lật đật đi làm việc ổng giao.

Khổ là cái máy fax bị chị Đài lấy mất rồi nên không gửi qua Hồng Công được. Mới vô báo ổng, cái ổng chưng hửng nói ủa máy fax sao cũng lấy. Ổng bảo thôi mày ra bảo vệ mượn xe máy ra bưu điện gửi fax cũng được, ổng đưa Tony 200 ngàn. Hồi đó chưa có email, làm gì cũng đánh máy, in ra rồi gửi fax, một trang cả mấy đô, mắc lắm. Tony chạy ra cổng nói anh bảo vệ cho em mượn xe của anh chút, em ra bưu điện Sóng Thần rồi về ngay. Anh bảo vệ nói đi vậy tiền xăng ai chịu, tao đâu có ngu. Tony chạy lên phòng nhân sự hỏi mấy người mà không ai chịu cho mượn, nên lại vô phòng báo cáo ông Park. Ổng giật mình ngồi một lúc thì hiểu ra, lục lọi hết trong túi quần túi áo, đưa Tony thêm đâu khoảng một trăm ngàn, nói đi xe ôm đi cho nhanh. Tony xong việc đem hợp đồng và tiền thừa về trả lại cho ổng. Vô phòng giám đốc không thấy ổng đâu, mới chạy đi tìm. Thấy ổng đứng ngoài gốc cây phía sau xưởng hút thuốc, mắt đỏ hoe…

Hôm bữa Tony tình cờ gặp chị Lan, kế toán cũ. Chị Lan nói ông Park vẫn giữ liên lạc với chị đến bây giờ. Sau khủng hoảng ổng cũng có gầy dựng lại một cái nhà máy mới bên Campuchia. Chị mấy lần rủ qua Việt Nam chơi nhưng ổng nói thôi tao không quay lại nơi đó đâu, nhớ kỷ niệm xưa buồn lắm.

Chị Lan nói ông Park không nhớ tên em, nhưng nói nếu có gặp thì cho tao gửi lời hỏi thăm cậu sinh viên cao cao ốm ốm, hồi xưa hay đi gửi công văn giấy tờ. Chị nghĩ là ổng nói em đó.



Thứ Tư, 28 tháng 2, 2018

Phết phẩy và ma lanh

.
Gửi A và B,

Như anh trao đổi sáng nay, hai đứa nhớ lời anh dặn. Anh giao cho phụ trách mua hàng, phải hết sức bản lĩnh. Đừng bán rẻ nhân cách mình trong các giao dịch kinh tế. Ngoài xã hội nhiều đối tác họ hay đề nghị khi mình mua cái gì đó, họ sẽ gửi lại cho mình một ít. Mình mà gật đầu một cái, coi như xong.

Vì nó đưa cho mình tiền đó, tươi cười đó, nhưng trong lòng nó chẳng coi mình ra cái gì đâu. Thậm chí là coi thường. Và chất lượng hàng hóa dịch vụ đó sẽ kém hơn, dù sao cũng đã có mình bảo kê bên trong rồi. Mình lỡ nhận tiền rồi, không nói được. Nó giao hàng xấu, giao hàng chậm, dịch vụ kém mình cũng phải làm ngơ.

Do vậy, nếu có ai đề nghị chuyện hoa hồng hay commission cho mình, lập tức từ chối, yêu cầu cắt thẳng vào giá hàng. Em vừa nói như vậy một phát, đối tác sẽ nể em ngay. Và họ cũng sẽ nghiêm túc trong việc giao hàng, làm hàng v.v…vì họ sợ những con người như vậy. Mình nói là em chỉ thay mặt công ty giao dịch, nên tiền này là của công ty, không phải cá nhân em. Mong anh chị thông cảm. Lúc đó, họ ngồi nghe mà không mến phục em thì thôi.

Ai cứ phết phẩy ma lanh, kệ ai. Mình không theo họ. Mình nhận vài ba chục triệu đồng, chả giàu lên. Mình không trở nên đẳng cấp được mà trở thành loại người rẻ tiền, bắt đầu vì tiền trong mọi suy nghĩ. “ Ăn quen, nhịn không quen”, mình lỡ ăn lần một là sẽ có lần hai. Rồi lần ba lần bốn. Nên mọi giao dịch sau này, tự động mình sẽ vòi tiền, nếu không có là mình làm khó làm dễ, gây khó khăn để người ta phải “ hiểu ý”, dẫn đến việc gì cũng chậm trễ.

Mình đi làm có thu nhập đàng hoàng, nên biết đủ em à. Một đồng mà do chính mồ hôi nước mắt của mình tạo ra, mới có giá trị thật sự, em cho cha cho mẹ, cái đó mới là hiếu thảo. Chứ ăn cắp rồi cho cha mẹ thì đó là bất hiếu. Vì không ông cha bà mẹ nào có thể yên lòng xài cái đồng không sạch ấy, khi biết được sự thật.

Rồi sau này có con có cháu, tụi nó sẽ không tôn trọng mình. Mình dạy nó, bảo đừng nói dối, đừng ăn cắp, nó nói sao cha mẹ không làm mà nói con, mình cứng họng. Chưa kể, tiền nào của mình là của mình. Tiền do phết phẩy ma lanh mang lại thì cũng sẽ ra đi dễ dàng. Nhiều người cứ nghĩ thôi phết phẩy đem về cho vợ cho con để giàu có, nhưng cuối cùng là ngược lại. Vì thượng đế cho gia tộc đó ví dụ 300 lượng vàng, chia đều cho 3 thế hệ. Thế hệ thứ nhất sẽ kiếm được 100 lượng, thế hệ thứ hai sẽ kiếm được 100 lượng, thế hệ thứ ba sẽ kiếm được 100 lượng, trời định như vậy rồi. Em là thế hệ thứ nhất, em cứ phết phẩy ma lanh, lấy hết 300 lượng của thiên hạ đem về nhà, thì hai thế hệ sau hết phúc để làm ăn. Mấy đứa nhỏ thi đâu cũng rớt, học hành dở dang, mặt mũi xấu quắc, làm ăn thất bát, chả có quý nhân giúp đỡ…Rồi nó đâm ra hận mình, nó giận ông nội, ông cố, là mình nè chớ ai.

Làm nghề mua hàng hay duyệt đấu thầu, ranh giới giữa cái thiện và cái ác, giữa chân thật và tham lam rất mong manh. Ngạn ngữ Trung Quốc có câu “ chỉ có những gì mình không làm thì người ta mới không biết”. Đừng có làm mình HÈN đi vì vài ba đồng vớ vẩn. Làm với anh, theo anh, anh đào tạo mọi kỹ năng để sau này đứng vững với đời, làm gì cũng kiếm tiền nuôi vợ con được. Nên mình phải giữ vững nhân cách. Có nhân cách thì LÀM GÌ, ĐI ĐÂU, GẶP AI, cũng ngẩng cao đầu.



Thứ Ba, 27 tháng 2, 2018

Chuyện ở Thâm Quyến

.
Từ một làng chài nghèo khó, nhìn sang bên kia là Hồng Công hoa lệ, Đặng Tiểu Bình quyết định hình thành đặc khu kinh tế Thâm Quyến (Shenzhen). Và ngày nay, Thâm Quyến trở thành trung tâm kinh tế, tài chính và xuất nhập khẩu của cả miền Nam Trung Quốc. Điều ấn tượng nhất ở Thâm Quyến chính là những văn phòng 24h. Ngoài ca từ 8h-6h ban ngày để buôn bán với các nước đông bán cầu, có ca đêm từ 8h tối đến 6h sáng để xuất nhập khẩu với các nước Tây bán cầu như Mỹ, Canada, các nước Mỹ La tinh…

Theo chân anh bạn. 8h tối lái xe đến 1 tòa nhà cao tầng ở trung tâm, bắt đầu công sở. 12h đêm thì nghỉ, ra phố ăn khuya, 1h30 sáng vô lại. Cả mấy trăm văn phòng trong toà nhà đều nhộn nhịp nên không ai nghĩ đây là ban đêm. Các nhà máy giày dép, quần áo, đồ chơi, điện thoại, điện tử...vẫn làm 3 ca, nên giao dịch, email, điện thoại rôm rả. Mùi cà phê thơm nồng, những bước chân đi vội. Gương mặt ai cũng lanh lợi hoạt bát, điện thoại tiếng Hoa tiếng Anh buôn buôn bán bán. Bên Mỹ email qua 1 cái, bên này trả lời, báo giá liền. Nên họ lấy hết các đơn hàng, còn mấy đối thủ cạnh tranh như Việt Nam, Thái Lan, Indonesia, Cambodia...thì lúc đó mắc ngủ, ngày hôm sau mới trả lời, rồi tối hôm sau bên Mỹ mới trả lời lại, rồi ngày hôm sau nữa mới nhận được thông tin, nên gút hợp đồng rất khó. Vì để có 1 hợp đồng xuất khẩu, người ta phải trả giá qua lại cả chục cái email và điện thoại. Ở các văn phòng 24h này, nửa đêm vẫn gọi dịch vụ DHL, Fedex tới giao nhận chứng từ, hàng mẫu. Ngân hàng vẫn mở cửa để rút tiền, thanh toán bộ chứng từ. Vẫn bốc dỡ hàng và làm thủ tục hải quan ở cảng. Xe tải và container vẫn chạy rầm rập trên đường. Các kho bãi sáng đèn và nhộn nhịp suốt đêm.

Phần lớn nhân sự ca đêm đều là các bạn trẻ mới ra trường, chưa vướng bận gia đình, đầy nhiệt huyết. Tất nhiên lương bổng cũng cao hơn ca ngày. Thành một cộng đồng làm theo giờ Mỹ trên đất Trung Quốc, mọi người vẫn hẹn nhau gặp gỡ, cà phê lúc 3h sáng để bàn công việc, và rủ nhau đi nhậu sau giờ làm, tức 6h sáng. Có vũ trường mở cửa lúc 10h sáng cho đối tượng này, đông nghịt người. Tới 2h chiều thì đóng cửa vì "khuya" quá rồi, phải về nghỉ để tối lại đi làm.

Trước đây, Thâm Quyến chỉ là một huyện nhỏ của tỉnh Quảng Đông ( huyện Bảo An), giờ trở thành đặc khu kinh tế tách ra. Tuy vậy, tỉnh Quảng Đông vẫn là tỉnh giàu, với thành phố thủ phủ là Quảng Châu, tổng tài sản GDP khoảng 850 tỷ đô la = Việt Nam (140 tỷ đô la ), Thái Lan ( 360 tỷ), Philippines ( 250 tỷ) cộng lại. Trong khi dân số của Quảng Đông chỉ khoảng 90 triệu, bằng Việt Nam. Dân Quảng Đông vô cùng giàu có, đi nước ngoài du lịch học tập như đi chợ. Có tiền nên cơ sở hạ tầng được tái đầu tư, đường sá rộng rãi đẹp đẽ, tàu cao tốc chạy vù vù, tàu điện ngầm mát rượi, thành phố xanh tươi, y tế, giáo dục đều được trợ cấp. Lượng hàng hóa thông quan của cảng Thâm Quyến hàng năm là 22 triệuTEU, gấp 10 lần cảng Sài Gòn, gấp 36 lần cảng Hải Phòng, cảng lớn nhất miền bắc nước ta. Thế mới biết các bạn làm ngoại thương chuyên nghiệp như thế nào. Bên cạnh đó là cảng Hồng Công (cũng khoảng 23 triệu TEU, cảng Quảng Châu 10 triệu TEU, nhưng bãi chứa container C/Y lúc nào cũng trong tình trạng không đủ chỗ chứa container (số liệu năm 2008).

Trong khi đó, ở Đông Nam Á ( trừ Singapore) thanh niên trong độ tuổi lao động ngồi cà phê nhiều hơn ngồi trong nhà máy. Chiều đến thì người người nhà nhà đi nhậu, lượng bia tiêu thụ của các quốc gia này thuộc tốp đầu thế giới. Và ở rất nhiều công sở, hình ảnh nhân viên uể oải, bước đi chậm chạp, tác phong lừ đừ, tụ năm tụ ba tán gẫu hoặc không thì ngồi ngáp đến chảy nước mắt. Hoặc chăm chú chỉ để chơi game, coi tin tức, chat chit, facebook, nhìn vô màn hình máy tính với cặp mắt vô hồn như mắt giả. Nhưng sếp hay khách khứa đến giao dịch thì lập tức cáu giận, vì đã làm tôi thức giấc. Quen không làm việc nên động tác thừa nhiều, xử lý gì cũng chậm.

Vì ít làm, ít việc nên cũng ít tiền, gương mặt ai nấy buồn hiu buồn hắt. Thử quan sát 1 ngày ở một công ty xuất nhập khẩu gỗ ở Thủ Đức, màn hình trước mặt mở ra toàn các trang web liên quan tin tức ca sĩ diễn viên. Một số ôm iphone ipad coi facebook tò mò tọc mạch chuyện riêng tư. Cả chục nhân viên ngồi với vẻ mặt buồn xo, cứ mấy phút thì liếc coi đồng hồ một lần, đến 5h chiều thì vội vã tắt màn hình, đi nhậu, giải phóng năng lượng tích tụ cả ngày bằng cách vung tay chém gió phần phật trên bàn nhậu. Và hôm sau thì đi trễ vì dậy không nổi. Lại vào, ngồi đếm thời gian cho hết ngày.

Và cứ thế, hết tuần, hết tháng, hết năm, hết đời người.



Một đời xớ rớ…

.
Xớ rớ là một từ rặt Nam bộ. Nó nói hành động quanh quẩn một chỗ nào đó mà không làm gì. Người ta dùng nó để nhận biết những đứa có tài và bất tài trong một đám đông. Ví dụ đám tiệc, mấy đứa bất tài nó sẽ không biết phụ gì với ai, nên cao lớn chồng ngồng ngáng đường ngáng sá, còn không thì ngồi một góc hoặc nằm dài trên giường, ôm cái iphone hay laptop coi miết. Vì đầu óc rỗng tuếch, nghĩ không ra việc gì để làm, đứng chầu chực để được SAI VIỆC. Hoặc bản chất là đứa làm biếng, thay vì lảng đi chỗ khác sẽ bị chửi mắng, nên nó xớ rớ qua lại để người ta thấy là nó cũng có mặt. Để không mắc cỡ khi ăn.

Còn người có tài thì khác. Họ sẽ quan sát và nhảy vô làm phụ. Thấy ai đó đang nhặt rau sẽ ngồi xuống phụ nhặt, thấy chưa có nước đá sẽ hỏi gia chủ rồi chạy đi mua, rồi dọn ly dọn chén dọn đũa ra trong lúc chờ đợi. Họ ra giữ xe, dắt xe, nhổ cỏ, lau nhà, rửa toilet, cứ thấy gì không ổn thì họ sẽ lao vào dọn dẹp. Rồi đếm số khách, bố trí chỗ ngồi, chỉnh âm thanh ánh sáng v.v… Nên người có tài họ luôn chân luôn tay, không bao giờ có chuyện đứng xớ rớ thừa thãi như mấy đứa bất tài vô dụng kia.

Khi đi làm cũng vậy. Người bất tài sẽ lên chỗ làm và tiếp tục xớ rớ. Không có óc quan sát nên cái đống rác trước mặt, nó cũng không hốt. Phải ngồi chờ chỉ đạo, ai sai việc gì thì làm nấy. Thậm chí giao 5 việc thì làm 3 việc, quên 2 việc. Nhắc lại thì mới nhớ, mới làm. Với nhóm bất tài này, thường xuyên có thời gian chết, ngồi nhìn vô màn hình đầu óc vô định miên man, cặp mắt vô hồn. Mắt nó chỉ sáng rỡ khi mở coi facebook tò mò chuyện cá nhân người khác, hoặc đọc tin tức ca sĩ diễn viên cởi áo tuột quần, mấy cái clip giật gân nhảm nhí.

Còn người có tài thì đến chỗ làm, họ sẽ nghĩ ra việc mình phải làm hôm nay, ghi vào sổ. Họ sẽ quan sát để ý, thấy à, với cái này, mình sẽ phải làm thế này thế kia, sau đó bắt tay vào làm tuần tự đến khi hoàn tất. Chủ động trong mọi việc, gọi cho người này người kia, phối hợp đồng nghiệp, nghĩ cách xử lý SAO CHO TỐT HƠN, ĐẸP HƠN, SẠCH HƠN, NHANH HƠN, GỌN GÀNG HƠN, HIỆU QUẢ HƠN.

Khi còn trẻ tuổi, lúc còn là nhân viên, người có tài bao giờ cũng luôn tay luôn chân từ 8h sáng đến 5h chiều, thậm chí ở lại đến 8-9h tối mới xong. Sau này lớn tuổi hơn, họ sẽ lên chức quản lý, họ sẽ phải nghĩ ra việc cho người khác. Còn đám xớ rớ kia thì cứ làm nhân viên miết, già 60 tuổi vẫn làm nhân viên, vì có một tuổi trẻ không có khát vọng vươn lên gì cả. Già cả lụm cụm bị tụi nhỏ làm sếp nó chỉ đạo, sai việc, làm không tốt bị tụi nó mắng mỏ khiển trách, nhiều lúc họ cũng cảm thấy tủi thân. Nhưng cân nhắc cho họ làm quản lý thì không được, vì 60 năm qua chỉ có kinh nghiệm xớ và rớ. Nên nếu bạn còn trẻ, đề về già không bị tụi nhỏ xài xể, thì ngay từ bây giờ hãy động não và động chân động tay giùm.

Mình để ý ở đám tiệc, thấy thanh niên còn trẻ mà cứ đứng xớ rớ thì đừng có trọng dụng. Vì nó không biết làm gì đâu. Nếu cho nó làm quản lý, 3 bữa là dẹp tiệm. Thực tế là có những công ty mà ở đó, toàn thể lãnh đạo, cán bộ và công nhân viên cùng nhau lượn qua lượn lại, nhìn chóng mặt. Ai cũng đoạt giải “ Vua Ngáo ngơ” và “ Nữ Hoàng Xớ Rớ”.

Hoặc mình nạt, kêu đi ra ngoài đi, chật chỗ quá. Cũng đừng có ôm cái điện thoại hay máy tính khi mọi người đang làm việc. Nhìn ngứa mắt. Khi nào xong
xuôi tao kêu vô ăn.

Nhưng lúc vô ăn, nó ăn lại năng suất hơn người khác mới chết. Đặc trưng của nhóm người Xớ Rớ này là ĂN CỰC KHỎE.



Thứ Hai, 26 tháng 2, 2018

Tiếng khóc xé đêm…

.
Chiều nay Tony đi mua cây cảnh ở khu Dĩ An. Lúc chờ người ta giao cây lên xe ba gác chở về, thấy phía sau có dãy nhà trọ nên đi vô coi ngó có gì hay, tình cờ thấy 1 gia đình kia đang ăn cơm chiều. Thấy trước nhà này có một cây trà đẹp quá nên mới đứng lại coi, 2 vợ chồng thấy có khách đứng ở trước nên mời vô ăn cơm.

Người chồng tên Tuấn, người vợ tên Liên, dân Thái Bình, vào Sài Gòn làm công nhân ở 1 xí nghiệp dệt may. Tony thấy bữa cơm chỉ có 2 miếng đậu hũ nhỏ, 1 cái trứng chiên, và 1 dĩa rau muống luộc, lấy nước làm canh. Anh chồng giục vợ lấy thêm trứng ra chiên, nhà có khách. Tony nói thôi, anh không ăn, chỉ ngồi chơi chút chờ mấy anh bên ngoài cột mấy cái cây lên xe rồi chở về.

Cái ngồi nói chuyện, hỏi thăm, 2 vợ chồng nói tụi em vô nam làm công nhân. Là đồng hương, quen nhau rồi cưới, có 1 cháu gái gần 2 tuổi. Lương tháng của anh chồng được 5 triệu còn chị vợ được 4 triệu. Tiền ăn uống sinh hoạt cũng vừa đủ, nên mấy năm nay chả dám về quê. Cái mình hỏi hàng ngày ăn uống là như vậy đó hả, cô vợ nói bữa nay là sang đó anh, vì cuối tuần, cải thiện chút. Chứ bình thường là chỉ có 1 nồi canh rau để chan vô cơm húp cho xong bữa anh à.

Anh chồng than nói tiền sữa cho đứa con 1 tháng hết 2-3 triệu nên 2 vợ chồng phải bóp mồm bóp miệng lại. Giá sữa tăng chóng mặt, cứ ra mua hộp mới là người bán sữa nói tăng 10%. Anh chồng nói con bé nó không có muốn ăn dặm, chỉ mê uống sữa thôi. Mà 2 vợ chồng không dám cho uống no, vì tốn tiền. Cô vợ nói cứ nhìn con uống xong ly sữa, còn thòm thèm vì còn đói mà đứt ruột. Tony thấy mấy hộp sữa ngoại trên kệ nên mới hỏi sao mua chi toàn sữa ngoại nhập đắt tiền như vầy, 2 vợ chồng gãi đầu gãi tai, nói dạ tụi em nghe quảng cáo trên tivi, thấy tốt quá nên đầu tư cho con. Đời tụi em như vầy, chỉ mong đời tụi nó thông minh giỏi giang mà bớt khổ.

Cô vợ nói bọn em còn đỡ. Chứ nhà bên cạnh, cũng công nhân, cô vợ vừa thất nghiệp, đứa con mới mấy tháng thôi anh. Cô vợ bị tắt sữa, nên phải mua sữa bột ở ngoài, tháng nào cũng hết 1/2 lương của anh chồng. Cứ nghe tăng ca ban đêm là bọn nó mừng, vì có thêm vài trăm ngàn nữa. Nói bọn em ngồi đạp máy may cả chục tiếng đồng hồ, ban đêm về nhà nhức mỏi kinh khủng, nghe tiếng con nhà bên khóc lại chạnh lòng, không ngủ được. Anh qua đó mà xem, 2 vợ chồng nó mấy tháng nay chỉ ăn cơm với nước tương nước mắm. Nói gì thì nói, đẻ con ra không lẽ không nuôi được. Đêm nào anh chồng cũng xin đi tăng ca hay ra phụ khiêng cây cảnh, còn cô vợ thì ép đứa con ngủ, hết bế đứng thì bế ngồi, đi đi lại lại hát khàn cả tiếng. Với tất cả nỗ lực của một người mẹ, nhưng đứa bé cứ ngủ chút thì dậy khóc. Chắc vì không đủ no.

Về đọc báo mới thấy những loại sữa bột chính trên thị trường mấy năm nay đều tăng giá bán vùn vụt, bất chấp mọi ý kiến ý cò. Khi chúng ta đang đọc những dòng chữ này, những công nhân như anh Tuấn chị Liên không hề biết. Họ đang mải mê cắt chỉ, đạp máy may trong các phân xưởng nóng hầm hập. Và hào hứng khi được tăng ca.

Với họ, những gì trên tivi đều là “đài nói”. Nhà nào cũng có máy xay sinh tố, chổi lau nhà đa năng,…“ vì nghe nói hay quá”, dù nhà trọ mấy mét vuông chẳng thế nào dùng. Vì họ làm từ sáng sớm đến khuya lơ khuya lắc mới về, ai chỉ mong tắm rửa rồi duỗi chân duỗi tay mà ngủ. Họ không có điều kiện đọc sách báo nên rất cả tin. Chúng ta đừng trách họ sao mua sữa ngoại làm chi, sang quá thì ráng chịu, đừng có suy nghĩ vậy. Con cái của họ là 1 gia sản lớn. Cứ nghe quảng cáo sữa nào giúp con thông minh là họ mua, với hy vọng rằng thế hệ sau sẽ không còn khổ cực như cha mẹ chúng. Mà nào đâu chỉ có sữa.

Trong khi đó, ở các tập đoàn đa quốc gia, các bạn phòng marketing đều là những bạn giỏi giang, trí tuệ nên lúc nào cũng nghĩ ra những chiêu marketing rất hiệu quả. Rồi các công ty PR quảng cáo thì vô cùng chuyên nghiệp. Thêm vào nữa là các bộ óc xuất chúng chỉ đạo từ công ty mẹ bên kia. Nên các chương trình quảng cáo này, ngay cả Tony vẫn đinh ninh là nó giúp minh thông minh hơn. Sau này đọc sách báo, Tony mới biết là sữa bò thực chất chỉ tốt cho con bò con, sữa dê chỉ tốt cho con dê con. Cực chẳng đã người ta mất sữa mới mua sữa ngoài, và bị chém đẹp. Kinh doanh những mặt hàng cho em bé như sữa, tả bỉm, y tế, giáo dục…là thoải mái. Vì giá nào cũng phải chịu, ít ai vô trường trả giá tiền học phí hay vô bệnh viện trả giá tiền vắc xin. Đi mua sữa, ai có tiền mua sữa ngoại, ai không có mua sữa nội, nhưng lỡ 1 lần mua sữa ngoại rồi là đành phải theo lao, vì thay đổi loại sữa, em bé sẽ dễ bị tiêu chảy. Nên bữa nay lỡ mua hộp sữa hiệu A này giá 500 ngàn, mai nó tăng lên 700 ngàn vẫn cứ phải mua.

Bài viết của Tony chỉ là 1 câu chuyện nhỏ về đạo đức trong kinh doanh, với hy vọng là làm sao nghịch lý giá sữa và thuốc thì cao ngất, trong khi bia rượu thuốc lá giá quá rẻ như vầy, cần phải được xem xét lại. Là người Việt, dù giọng nói vùng miền khác nhau, học hành khác nhau, công việc khác nhau nhưng đều là người Việt cả. Người nước ngoài họ đến kinh doanh, kiếm tiền và ra đi. Chỉ có dân tộc mình là trường tồn mãi mãi. Một dân tộc cao lớn, thông minh phải bắt đầu từ những đứa trẻ khỏe mạnh.

Một bên là các đại gia liên kết nhau, neo giá sữa và thuốc tây cao ngất, lãi thật nhiều. Còn bên kia người tiêu dùng, chắt bóp chi tiêu, liêu xiêu đói rách, miệng mồm méo mó nhăn nheo. Bớt xuống 1 chút. San sẻ 1 chút. Mình chẳng bớt giàu nhưng bao nhiêu người bớt ngặt. Đó cũng là lời nhắn nhủ của Tony đến các bạn người Việt làm ở các tập đoàn đa quốc gia này. Dù các cuộc họp với các sếp bằng tiếng Anh, nhưng bạn mãi mãi sở hữu một trái tim Việt, bạn hãy đấu tranh để không tăng giá nữa. Hãy biết thương đồng bào mình, hãy thương những tiếng trẻ khóc xé đêm…



Chủ Nhật, 25 tháng 2, 2018

Giáo trình 100 bài tài liệu học viện WEST POINT P9

.
Bài 9: Các câu hỏi cắc cớ 

Thỉnh thoảng bạn vẫn gặp những câu hỏi, mà Tony tạm gọi là cắc cớ, thường của nhóm người hoặc ngáo ngơ hoặc thích gây lộn. Ví dụ: mày thấy phở ở Hà Nội so với phở ở Sài Gòn cái nào ngon hơn. Mày đi Trung Quốc, Hàn Quốc thấy gái ở bển so với gái Việt Nam đẹp hay xấu? Mày thấy Thanh Lam hát bài “Nửa đêm ngoài phố” hay hơn hay Bảo Yến hát hay hơn. Bác sĩ tốt nghiệp ĐH Y Khoa Huế và ĐH Y Khoa Tp HCM, ai giỏi hơn. Mày thấy thanh niên Mỹ béo phì hay thon thả….

Và ngày xưa khi còn khờ dại, Tony cũng gân cổ lên cãi với các câu hỏi dạng này. Vì thích Việt Nam nên nói gái Việt Nam đẹp hơn. Thích Sài Gòn nên nói phở Sài Gòn ngon hơn. Thích Bảo Yến nên nói Bảo Yến hát hay hơn. Qua Mỹ được 1 tiểu bang thấy bạn bè toàn béo phì nên nói tụi Mỹ béo lắm, đứa nào chả béo. Rồi suốt ngày cãi nhau với bao nhiêu người, với những câu hỏi tương tự về mọi ngóc ngách của cuộc sống. Rồi giận rồi hờn.

Sau này qua HBS học, thấy học viên nào đặt mấy câu hỏi giống vầy, các giáo sư sẽ chỉ mỉm cười và im lặng. Xong ổng đưa micro cho học viên khác, không thèm trả lời. Mình mới thắc mắc, nói ủa sao thầy không trả lời vậy. Cái ổng mới nói, với các câu hỏi dạng này, nó sai từ phương pháp đặt câu hỏi, nên tốt nhất là im lặng. Nhưng có lần có một thầy cũng trả lời, câu hỏi là theo ý kiến riêng của thầy, Pizza ở Ý ngon hay ở Boston ngon hơn ạ? Thì ổng nói là tui thấy ở Boston ngon hơn, vì tui sống ở đây 20 năm, quen khẩu vị ở đây. Và quan trọng hơn là tui nói ở đây ngon, tui có thể chạy ra tui ăn liền chứ không thể bay qua Ý được. Nói xong, cả lớp cười ồ. Riêng anh người Ý nóng máu lên, đứng dậy phản ứng liền, nói Pizza và mì ống là đặc sản riêng có của người Ý, sao dở hơn người Boston làm được. Vâng vâng và vâng vâng. Cái mấy cánh tay khác giơ lên, định phản biện. Ông thầy mới nói, đừng nên phản ứng vậy, vì sẽ không đi tới đâu, và rất nhảm. Vì sao, ổng giải thích:

1. Nói Pizza ở Ý và ở Boston. Ý là ở đâu? Thành phố nào. Có hàng ngàn tiệm Pizza ở Ý và mấy trăm quán Pizza ở Boston, so sánh dựa trên cơ sở nào, quán nào, loại bánh nào? Có quán sang trọng cũng có quán bình dân. Có quán à-la-carte ( gọi món) và cũng có quán fastfood ( thức ăn nhanh). Có đầu bếp chuyên nghiệp và cũng có mấy bà nội trợ tự làm ở nhà. Còn nếu lấy trung bình hay bình quân hay nhìn chung thì phải có cơ sở, khảo sát bảng biểu đàng hoàng thì mới nói.

2. Ngon hay dở, đẹp hay xấu, xinh hay không xinh, tuyệt vời hay nhảm nhí, sang hay quê, vừa miệng hay không….là các tính từ 100% cảm tính, tức cảm nhận của mỗi cá nhân. Họ có gu thẩm mỹ, văn hóa, giới tính, sự trải nghiệm khác nhau thì sẽ cảm nhận khác nhau. Nên khi tôi nói “ theo ý kiến của riêng tôi”, thì phải được tôn trọng chứ mắc mớ gì cãi lại hay chê bai. Cơ sở nào để mình thì đúng thì người khác thì sai, cơ sở nào cho rằng cảm tính của mình là văn minh còn của người là thấp kém? Còn trích dẫn từ báo chí hay sách vở, thì cũng chỉ là cảm tính của nhà báo đó, quan điểm của tòa soạn đó, của nhà văn đó, của nhà xuất bản đó thôi. Không thể lấy làm chuẩn được.

Như Tony Buổi Sáng, có người đọc thấy hay, nhưng cũng có người thấy dở. Có người đọc và nắm được cái thông điệp truyền tải, có người chỉ coi chi tiết nào hài để cười. Có người nghĩ là “đá xéo” mình, vì cái xấu của mình được ổng mô tả thật quá, nên giận không đọc nữa. Có những cuốn sách nói về tật xấu, có người phải mua cả chục cuốn, vì vừa mua xong, mở ra đọc bài đầu tiên, tưởng nói mình, giận xé sách. Nhưng tò mò nên mua lại, đọc bài thứ hai, lại tưởng nói mình, xé tiếp. Sách có bao nhiêu bài là bấy nhiều lần xé.

Tony mở sách cũ say mê một thời ra đọc, mới thấy các bác nhà mình viết văn cảm tính và áp đặt quá. Món ngon Hà Nội, cảnh đẹp Hà Tiên, nhan sắc Tuyên Quang, cà phê Buôn Mê Thuột ngon nhất thế giới,… đọc thấy toàn ý kiến chủ quan của tác giả. Ai nói ngược lại (đám đông mặc định là đúng vì tư duy lối mòn của mình) là bị ném đá tơi bời. Các chủ đề này suốt ngày gây tranh cãi, cứ có ý kiến mới là đám đông sẽ không chịu, vì khác với CÁI CŨ, CÁI QUEN THUỘC. Tính” thủ cựu” thì Tây Tàu đều bị, Tàu nhiều hơn Tây do giáo dục cứng nhắc rập khuôn, ít sáng tạo, kiểu tầm chương, trích cú của thầy nho xưa, sách có câu, sách có câu…

Thậm chí, để tranh luận khi có ai chê Tony Buổi Sáng viết dở, có người có viện “dòng 30 từ dưới lên, trang 27, cuốn Tam Quốc Diễn Nghĩa xuất bản năm 2990 có nói, ông Tony Tèo là người viết hay nhất thế kỷ 22…” thì cũng chỉ có tác dụng tham khảo. Hay-dở là cảm tính, là ý riêng của ông La Quán Trung chứ mắc mớ gì xem đó là chân lý?



Lấp liếm và mỏi miệng

.
Các bạn trẻ đọc bài này 2-3 lần nhé. Mình phải khác, đẳng cấp, không lấp mỏi tay, không liếm mỏi miệng. TnBS
Lấp liếm và mỏi miệng
Hôm nay mình coi chữ TRUST. TRUST là lòng tin. Lòng tin là thứ quý giá nhất trên đời. The most expensive thing. Mất nhiều năm để gây dựng ( take years to earn), nhưng vì vài ba giây làm mất ( a matter of seconds to lose). 
Các bạn trong hãng vui lòng ghi việc cần phải làm vào sổ. Việc gì chưa làm, do quên, nếu được nhắc, lập tức làm ngay. Tuyệt đối không được lấp liếm nói đã làm rồi. Ráng bịa ra đã gọi nhưng ông đó chưa bắt máy. Dạ đã gửi mail cho ổng, ổng nói OK anh. Nhưng thực tế là chưa, lúc đó mới làm. Anh sẽ kiểm tra ngay lập tức và hậu quả thì mọi người đã biết.
Anh không chấp nhận mọi sự không trung thực từ nay về sau. Chưa làm thì nói chưa làm. Không làm thì nói không làm, anh giao người khác phụ trách. Mình nói dối, ăn cắp, dù chỉ 1 lần thôi, nhưng sẽ đánh mất lòng tin từ người khác. 1 LẦN BẤT TIN, VẠN LẦN BẤT TIN. Ông bà mình nói có sai đâu. Cái này mình tự trách mình chứ không trách người khác, tất cả là do mình hết. 
Thương lái Trung Quốc làm mất lòng tin của người dân Việt Nam vì họ đã nói 1 đằng làm 1 nẻo, tự đánh mất lòng tin, chứ không phải là người Việt Nam tự nhiên không tin họ. Vợ không tin chồng thì chồng nên coi lại mình, sao để vợ không tin thế. Nhà cung cấp không cho khách hàng nợ nữa, lỗi là tại khách hàng, cứ đàng hoàng tử tế đi, đến hẹn là trả nợ, kẹt tiền thì nói kẹt và xin gia hạn thì làm gì có chuyện không ai cho NỢ. Có nhiều đối tác hãng mình, cứ tiền mặt trả trước thì mới nói chuyện, vì mấy lần chính miệng giám đốc gọi điện nói là ngân hàng fax lệnh chuyển tiền liền…nhưng có đâu. Tuần sau mới trả. Lúc đó lại lấp liếm cái máy fax bị hư, cái tài khoản ngân hàng hết tiền giải ngân, rồi thậm chí con bé nhân viên ngân hàng nó bị đau tay nên không fax được. Thấy coi thường khi nghe những lời bao biện như thế.
Có lần Tony thuê đơn vị sửa chữa nhà ở Thủ Đức . Cậu chủ thầu xây dựng đi lên đo đạc để báo giá. Đang làm thì điện thoại reo, nó nói “ rồi rồi, đang chạy qua đây, tới đường Lê Văn Sĩ rồi, còn 5 phút nữa tới. Chờ em chút” rồi cười hềnh hệch. Nói “ông khách kêu qua kiểm tra chất lượng công trình em xây cho ổng năm ngoái, nó bị thấm nước. Nhưng em ưu tiên anh trước”. Thấy sợ quá,Tony nói khỏi báo giá đi em. “Vì công trình của anh vài bữa nếu bị sự cố vậy, em cũng nói lấp liếm vậy chắc anh chết. Em nói 5 phút qua ngay, ông kia ngồi đợi, trong khi đó từ đây qua bển cũng mất 1 tiếng. Em làm mất thời gian của người khác, thay vì em nói thật 1 tiếng nữa qua, thì ông kia lại có thể sắp xếp công việc đi đâu đó, thay vì ngồi chờ rồi sốt ruột rồi gọi, rồi lại nghe 1 phút tới liền..nhưng em đang tận Thủ Đức. Cả xã hội này bị lãng phí thời gian kinh khủng nếu ai cũng 1 dây chuyền nói dối như em”.
Rồi có ông khách hàng, thấy đạo mạo cũng hay nói chuyện đời. Bữa ngồi nhậu chung, ổng vừa kêu thức ăn, khui bia ra chuẩn bị uống. Thấy điện thoại reng, vợ hay con gì đó gọi, ổng nói đang trên đường về. Sắp tới rồi, đang kẹt xe chỗ cầu Thị Nghè, chờ chút đi. Rồi cười ha hả, nói cứ nhậu thoải mái đi, khuya anh về cũng được. Mình thấy khinh bỉ liền, nói dối cả với con nít. Nên thôi, không có nhậu lần 2. Nhìn mặt thấy khinh bỉ thì tôn trọng gì được mà cụng ly, mà nói chuyện. Vì thể loại nói dối riết thành quen mồm, gặp ai cũng nói, làm gì cũng không thành thật được. Chuyện vô thưởng vô phạt cũng xạo cho được. Nếu bạn thuộc thể loại này, thì gặp ai cũng nên im miệng. Không ai nói bạn bị câm.
Cả cuộc đời mình nên xây dựng lòng tin, từng li từng tí một. Vì không còn lòng tin thì chính mình mới là người thiệt hại. Có sao nói vậy, thành thật, trung thực…thì sẽ có cảm tình từ người khác. Và lúc đó, muốn gì cũng được, làm gì cũng thuận lợi. Vì người ta tin.
Còn cứ nói dối, thì cứ phải chạy theo. Phải động não nghĩ ra cách chống chế. Và trí nhớ phải tốt để nhớ hôm bữa mình lấp cái gì, liếm cái gì…
Cả đời không khá nổi vì hẻm có ai tin. Cả cuộc đời cứ lấp và liếm.
Có khi lấp không được, thì phải đào lên mà liếm….


Thứ Bảy, 24 tháng 2, 2018

Chuyện cái mắt kính

.
Ở Đức, hành vì quay bài, quay phim trong lớp bị xem là hành vi gian dối nghiêm trọng nhất. Nên nếu phát hiện ra, học sinh sẽ phải lên làm việc riêng với ban giám hiệu, họ cho vô phòng riêng đóng kín cửa lại chứ không có sỉ nhục học sinh trước mặt người khác. Sau đó, học sinh phải nhận thức được hành vi ăn cắp kiến thức này là nhục nhã, là xấu xí. Họ sẽ khuyên giải, và học sinh viết bản kiểm điểm, sẽ thề là không bao giờ ăn cắp nữa, sau đó họ sẽ cho về. Nếu tái phạm thì sẽ bị đuổi học ngay lập tức. Và tên của học sinh này sẽ đưa vào danh sách đen ( black list) của hệ thống trường Đức trên khắp thế giới, sẽ không có trường Đức nào nhận học sinh này nữa. Vì họ quan niệm, đã thề rồi mà còn vi phạm là không có lòng tự trọng. “Mistake is acceptable, but we don’t accept if you repeat the same mistake”. Một công dân không có lòng tự trọng thì đất nước đó không thể tự cường. Sản phẩm của nền giáo dục Đức không có thể loại ăn cắp và nói dối. Ai ăn cắp kiến thức mà cầm được cái bằng Abitur ( bằng tú tài), sẽ gây xấu hổ cho nước Đức.

Và rất nhiều quốc gia Á Châu học tập cái này từ Đức áp dụng cho nền giáo dục của họ. Điển hình là Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore và gần đây là Thái Lan. Và ngoài xã hội, các hành vi ăn cắp như vậy cũng bị trừng phạt rất nghiêm khắc, ví dụ tội cầm nhầm đồ trong cửa hàng, siêu thị. Shoplift là động từ chỉ việc cầm nhầm. Ở nước ngoài, người ta khinh bỉ các shoplifter kinh khủng, và rất nghiêm khắc để trị tận gốc căn bệnh shoplifting này. Một khi phát hiện nếu còn nhỏ sẽ bị phạt roi, quất vào mông. Còn già rồi mà vẫn cầm nhầm, thì họ sẽ bắt ngồi đọc đạo đức, đọc đến khi nào mỏi miệng thì thôi. Nên ai bị một lần là tởn, hoặc thấy người khác bị vậy mà sởn gai ốc, khi nhìn thấy “mỡ treo”, “miệng mèo” sẽ phải tự nuốt nước bọt. Vì không được phép ăn. Vì không phải của mình.

Chuyện ở Thái Lan, lâu rồi, đoàn khách của một công ty lớn ở Việt Nam sang chơi. Chị sếp ni quen thói hống hách, cứ vào chỗ shopping ghé lấy cái gì thì nhân viên dưới quyền mặc nhiên hiểu là phải trả tiền, coi như tặng quà. Thế là lúc vào cửa hàng miễn thuế trong sân bay Băng Cốc, chị nhón lấy cái mắt kính 120 USD, rồi thản nhiên bỏ vô giỏ, đi ra. Cậu trợ lý mới vô làm, có vẻ ghét cái kiểu này, nên thay vì trả tiền cũng bỏ ra ngoài luôn. Thế là đi được đâu 10 phút, chuông báo động ầm ĩ, bảo vệ rầm rập chạy đến, còng tay chị lại, lôi đi. Chị phủ nhận liền, nói không có. Chị chửi khí thế “ ụ mạ mi ụ mạ mi, răng lại bắt chụy”. Nó mở giỏ ra, thấy cái mắt kính. Rồi bất chấp chị chửi bới vang dội, tụi nó lôi đi xềnh xệch vô phòng cách ly, chiếu lại cho cái phim lúc nãy chị đã cầm nhầm như thế nào. Rồi tụi nó hủy chuyến, nhốt 2 ngày trong phòng riêng, cơm bưng nước rót đàng hoàng. Chị chỉ việc ngồi và đọc câu “ tôi là Trần Thị A. Hôm nay tôi đã hiểu việc ăn cắp là sai trái, tôi thề tôi sẽ không bao giờ ăn cắp nữa. Tôi thề trên danh dự của tôi, của con tôi là Nguyễn Văn Y, Nguyễn Thị Z. Tôi sẽ không bao giờ ăn cắp nữa để con tôi không nhục nhã vì mẹ nó”. Nó bắt đọc 1000 lần. Đâu tới 900 lần thì miệng chị đã méo qua 1 bên vì mỏi, nên chị khóc nức nở, “ bọn ni ác chi mà ác rứa, răng mà bặt chị đọc hoài”. Nó nói đủ 1000 lần đi, rồi bay về, và chị lại tiếp tục “ tôi là Trần Thị A, tôi…”

Nó nói chị đã già rồi nên nó mới làm nhẹ. Nếu chị mà là đứa thành niên là nó quất roi vào mông. Nên trên nhiều chuyến bay, nếu bạn thấy mấy cô cậu trẻ trẻ mà cứ đi đi lại lại, thì có khi cái mông đã sưng tấy. Nên không ngồi được.



Lời thề Hippocrates

.
Mấy năm trước, một đệ tử tên Bình đến tạm biệt anh Tony về Đắc Nông làm việc. Bình lúc đó vừa tốt nghiệp bác sĩ ĐH Y khoa, và quyết định về quê chứ
không bám trụ Sài Gòn. Nó nói em thi trường y, thật ra là không đủ điểm nếu không được ưu tiên. Nên em phải về, chính cái chữ "miền núi" đó đã giúp em có một cơ hội vào giảng đường. Rồi sau vài năm nữa, nếu muốn học tiếp thì có thể em lên lại Sài gòn, thì cũng không muộn anh há. Mình nói ừa, thanh niên còn trẻ, cứ trải nghiệm chỗ này chỗ kia. Tụi Nhật tụi Tây nó còn lang thang ở tận châu Phi sau khi tốt nghiệp nữa là. Ở trên đó, em còn có thể trực tiếp chẩn đoán mổ xẻ, chẳng mấy chốc mà kinh nghiệm làm việc còn hơn các bạn ở đây, khi ra trường chuyên môn chỉ dừng lại ở việc pha trà rót nước cho các cây đa cây đề. Làm không công ở bệnh viện lớn mấy năm trời làm gì em, em đào tạo làm bác sĩ mà, sao lại toàn phát thuốc, chích thuốc. Lãng phí quá.

Sống trên đời biết ơn nghĩa với người, với vùng đất em sinh ra, với vùng đất em lớn lên là đáng quý. Lòng biết ơn là cái giúp con người khác các động vật
khác, anh vẫn quan niệm là ai cử mình đi học, thì phải về. Nhiều bạn được cử đi nước ngoài xong tìm cách ở lại nước ngoài hay chỉ về thành phố lớn, dẫn đến các tỉnh hay các trường đại học ở tỉnh phải kiện tụng đòi lại tiền, rồi mệt quá mà dẹp luôn chương trình này, thế hệ sau mất cơ hội đi du học, mình thấy có lỗi với đàn em không? Nhiều bạn nói em ở lại thành phố là để nâng cao trình độ, học thêm để phát triển chuyên môn, thì có gì sai? Vậy cuối cùng mục đích sau khi nâng cao trình độ rồi là gì, có về quê không? Chắc chắn là không, như vậy thì mình là người ích kỷ, chỉ nghĩ cho mình. Ví dụ nhé, vì 100 ngàn dân trên đó quá ít bác sĩ, nên dù chỉ có 20 điểm em đã đậu vào trường Y khoa, lẽ ra phải là 25 điểm, em lấy mất suất ngồi giảng đường của cả trăm bạn ở thành phố đạt mức điểm 24,5. Mục đích của chính sách này là đào tạo em để trở về và giúp đỡ người dân trên kia. Giờ em cũng bon chen ở lại thành phố, tiếp tục để 100 ngàn dân trên miền núi tiếp tục chết vì thiếu bác sĩ, thì mình bạc tình bạc nghĩa lắm em à. Nên làm gì thì làm, đừng có đánh mất mình vì chút vật chất cỏn con, em hãy kiêu hãnh để ngẩng đầu với chính em. Chia tay, mình tặng nó cuốn sách “You Can Win” mà mình rất ưa thích, và dặn dò, dù gì đi nữa, phàm đã chọn nghề y cao quý, thì chớ có quên lời thề Hippocrates. Nghen em.

Sinh viên y khoa khi tốt nghiệp, đều phải tuyên thệ, còn gọi là lời thề Hippocrates, ông tổ của ngành y phương Tây. Coi như lời hứa danh dự của nghề. Mà tiếng Việt mình cũng hay, có hai nghề mà người ta gọi là bác, là bác sĩ và bác tài, đơn giản vì giống nhau ở chỗ, đều nắm sinh mạng của người khác trong tay. Nên khi hành nghề phải tuyên thệ, vì một phút chốc nào đó, chất con nổi dậy lấn át chất người, sẽ vì mình hay vì tiền mà đánh đổi mạng sống của người khác. Những nhiệm vụ lớn lao, người ta bắt buộc người nhận nhiệm vụ phải quỳ xuống tuyên thệ, vì chỉ còn cách duy nhất là đánh vào tiềm thức, đánh vào lương tri, tận sâu trong tâm khảm họ. Và một khi đã tuyên thệ, người ta sẽ sợ hãi khi vi phạm, một nỗi sợ vô hình.

Nói đến nghề y mới nhớ, hồi còn ở quê, ở đầu thị trấn có một bác sĩ, tên A. Lúc đó còn học tiểu học, có lần sáng ngủ dậy, mình bị sốt cao rồi ói. Bà dì chạy ra vườn hái lá chùm ruột giã rồi đắp trên trán cho mát, nhưng một hồi sau thì tình hình cũng không khả quan hơn, sốt còn cao hơn nữa, mặt mũi xanh lè. Má mình phải nghỉ dạy, lật đật đạp xe đèo con chạy ra thị trấn, ghé nhà bác sĩ A nhờ khám. Xuống xe, mình đi loạng choạng vào sân nhà ổng và có ói một ít vào bồn hoa, thật ra cũng chỉ toàn nước. Ổng đi ra, đứng trên thềm cao, mặt mũi khó chịu nói sao chị lại để cháu ói vào bồn hoa, hai mẹ con đi đâu có việc gì. Má có la mình, nói sao con lại ói vào đó, rồi đứng khép nép nhìn lên, ánh mắt van lơn, nói bác sĩ ơi giúp giùm con chị, nó bịnh đột ngột quá. Mà bữa nay nhà chị không có tiền, chị chưa tới kỳ lãnh lương nên khi nào lãnh chị sẽ mang ra liền. Thấy ổng chần chừ nên má mình cũng tỏ ra khá lanh lợi khi đề cập là có quen cô X, cô Y, tức các cô giáo cùng dạy trong trường nhưng có nhà ở gần đó, để ổng yên tâm là không bị xù. Nhưng ổng nhìn nhìn hai mẹ con, nhìn chiếc xe đạp mini cà tàng rồi phán, thôi chị đi chở cháu đi chỗ khác đi, tui đang bận. Mình vẫn ngồi dưới đất và ói. Má mình năn nỉ nói bác sĩ cho cháu vô nhà, coi cháu giùm một chút có sao không, nếu nặng thì chị chở ra bệnh viện, làm ơn làm phước giùm chị, chị mang ơn suốt đời. Ổng nhìn cái bồn hoa và tức giận bỏ vào nhà, đóng cửa lại. Má, một người phụ nữ với đứa con bé bỏng bên cạnh, cảm thấy bất lực và tủi thân, đứng khóc như mưa. Làm mình cũng khóc, con nít mà, thấy mẹ khóc là hay khóc theo. Rồi sau đó hai mẹ con ra bệnh viện huyện, ở bên kia cầu Dinh, có ông y sĩ lấy viên thuốc màu vàng đắng nghét cho mình uống hạ sốt, nằm nghỉ một lúc thì về. Mình nhỏ xíu, đội cái mũ vải rộng thùng thình của chị Hai, ngồi phía sau xe đạp như con cóc, vịn chặt cái yên xe vì sợ té.

Lúc đạp xe đi về ngang qua nhà ổng, mình có ngoái nhìn vào. Coi cái chỗ lúc nãy ói đã có ai dọn chưa, tự mình cảm thấy sợ hãi vì cái tội ói vào bồn hoa nhà bác sĩ. Và ám ảnh đến bây giờ, khi thấy ai đó dửng dưng trước mạng sống của người khác. Và giá trị của một cậu bé thông minh đẹp trai như Tony vầy mà chẳng đáng bằng cái bồn hoa?

Và trên khắp đất nước hình chữ S này, không khó để chúng ta có thể bắt gặp hình ảnh những người mẹ gầy gò, quần đen và chiếc áo sơ mi đã sờn, đội nón lá, gồng mình đạp xe chở những cậu bé, cô bé nhỏ xíu như cái kẹo ngồi đằng sau ba-ga để đến trường. Với một niềm tin tươi sáng, rằng thế hệ người Việt tiếp theo sẽ không khổ cực như cha mẹ chúng.

Và cậu bác sĩ mà Tony nói ở đầu bài, sau khi về quê, trở thành một bác sĩ đầy tâm huyết, sẵn sàng đến các thôn bản xa xôi để chữa trị cho mọi người. Làm nhiều nên chuyên môn cực giỏi. Một ngày làm việc, buổi tối vẫn đều đặn đi tập tennis rèn luyện thể lực và đến nhà thầy dạy tiếng Pháp trong thị xã Gia Nghĩa để học thêm tiếng Pháp, thường xuyên email với Tony và lâu lâu lại xuống Sài Gòn thăm Tony để tiếp thêm sức mạnh. Nói cứ mỗi lần em lười biếng, chán nản vì buồn chán, vì ở quê chẳng có gì chơi, thì lại nhớ đến những lời anh dặn dò, nhớ đến lời thề Hippocrates bên ngôi trường có cái hồ Bao Tử thân yêu. Em lại điên cuồng lên mạng và nghiên cứu chuyên môn.

Và bây giờ, cậu ấy đang thay đồ để tối nay đáp chuyến bay đi Paris học lên cao nữa, theo một học bổng toàn phần của chính phủ Pháp. Học bổng này ưu tiên cho bác sĩ công tác ở vùng sâu vùng xa, nên cũng dễ đạt được hơn. Chúc em sẽ thành công trong tương lai, chắc chắn là như vậy. Người có tâm tốt, không ích kỷ, nghĩ về người khác, thể nào cũng hạnh phúc.

Bon Voyage, Bình !



Thứ Sáu, 23 tháng 2, 2018

Tiếng khóc xé đêm…

.
Chiều nay Tony đi mua cây cảnh ở khu Dĩ An. Lúc chờ người ta giao cây lên xe ba gác chở về, thấy phía sau có dãy nhà trọ nên đi vô coi ngó có gì hay, tình cờ thấy 1 gia đình kia đang ăn cơm chiều. Thấy trước nhà này có một cây trà đẹp quá nên mới đứng lại coi, 2 vợ chồng thấy có khách đứng ở trước nên mời vô ăn cơm.

Người chồng tên Tuấn, người vợ tên Liên, dân Thái Bình, vào Sài Gòn làm công nhân ở 1 xí nghiệp dệt may. Tony thấy bữa cơm chỉ có 2 miếng đậu hũ nhỏ, 1 cái trứng chiên, và 1 dĩa rau muống luộc, lấy nước làm canh. Anh chồng giục vợ lấy thêm trứng ra chiên, nhà có khách. Tony nói thôi, anh không ăn, chỉ ngồi chơi chút chờ mấy anh bên ngoài cột mấy cái cây lên xe rồi chở về.

Cái ngồi nói chuyện, hỏi thăm, 2 vợ chồng nói tụi em vô nam làm công nhân. Là đồng hương, quen nhau rồi cưới, có 1 cháu gái gần 2 tuổi. Lương tháng của anh chồng được 5 triệu còn chị vợ được 4 triệu. Tiền ăn uống sinh hoạt cũng vừa đủ, nên mấy năm nay chả dám về quê. Cái mình hỏi hàng ngày ăn uống là như vậy đó hả, cô vợ nói bữa nay là sang đó anh, vì cuối tuần, cải thiện chút. Chứ bình thường là chỉ có 1 nồi canh rau để chan vô cơm húp cho xong bữa anh à.

Anh chồng than nói tiền sữa cho đứa con 1 tháng hết 2-3 triệu nên 2 vợ chồng phải bóp mồm bóp miệng lại. Giá sữa tăng chóng mặt, cứ ra mua hộp mới là người bán sữa nói tăng 10%. Anh chồng nói con bé nó không có muốn ăn dặm, chỉ mê uống sữa thôi. Mà 2 vợ chồng không dám cho uống no, vì tốn tiền. Cô vợ nói cứ nhìn con uống xong ly sữa, còn thòm thèm vì còn đói mà đứt ruột. Tony thấy mấy hộp sữa ngoại trên kệ nên mới hỏi sao mua chi toàn sữa ngoại nhập đắt tiền như vầy, 2 vợ chồng gãi đầu gãi tai, nói dạ tụi em nghe quảng cáo trên tivi, thấy tốt quá nên đầu tư cho con. Đời tụi em như vầy, chỉ mong đời tụi nó thông minh giỏi giang mà bớt khổ.

Cô vợ nói bọn em còn đỡ. Chứ nhà bên cạnh, cũng công nhân, cô vợ vừa thất nghiệp, đứa con mới mấy tháng thôi anh. Cô vợ bị tắt sữa, nên phải mua sữa bột ở ngoài, tháng nào cũng hết 1/2 lương của anh chồng. Cứ nghe tăng ca ban đêm là bọn nó mừng, vì có thêm vài trăm ngàn nữa. Nói bọn em ngồi đạp máy may cả chục tiếng đồng hồ, ban đêm về nhà nhức mỏi kinh khủng, nghe tiếng con nhà bên khóc lại chạnh lòng, không ngủ được. Anh qua đó mà xem, 2 vợ chồng nó mấy tháng nay chỉ ăn cơm với nước tương nước mắm. Nói gì thì nói, đẻ con ra không lẽ không nuôi được. Đêm nào anh chồng cũng xin đi tăng ca hay ra phụ khiêng cây cảnh, còn cô vợ thì ép đứa con ngủ, hết bế đứng thì bế ngồi, đi đi lại lại hát khàn cả tiếng. Với tất cả nỗ lực của một người mẹ, nhưng đứa bé cứ ngủ chút thì dậy khóc. Chắc vì không đủ no.

Về đọc báo mới thấy những loại sữa bột chính trên thị trường mấy năm nay đều tăng giá bán vùn vụt, bất chấp mọi ý kiến ý cò. Khi chúng ta đang đọc những dòng chữ này, những công nhân như anh Tuấn chị Liên không hề biết. Họ đang mải mê cắt chỉ, đạp máy may trong các phân xưởng nóng hầm hập. Và hào hứng khi được tăng ca.

Với họ, những gì trên tivi đều là “đài nói”. Nhà nào cũng có máy xay sinh tố, chổi lau nhà đa năng,…“ vì nghe nói hay quá”, dù nhà trọ mấy mét vuông chẳng thế nào dùng. Vì họ làm từ sáng sớm đến khuya lơ khuya lắc mới về, ai chỉ mong tắm rửa rồi duỗi chân duỗi tay mà ngủ. Họ không có điều kiện đọc sách báo nên rất cả tin. Chúng ta đừng trách họ sao mua sữa ngoại làm chi, sang quá thì ráng chịu, đừng có suy nghĩ vậy. Con cái của họ là 1 gia sản lớn. Cứ nghe quảng cáo sữa nào giúp con thông minh là họ mua, với hy vọng rằng thế hệ sau sẽ không còn khổ cực như cha mẹ chúng. Mà nào đâu chỉ có sữa.

Trong khi đó, ở các tập đoàn đa quốc gia, các bạn phòng marketing đều là những bạn giỏi giang, trí tuệ nên lúc nào cũng nghĩ ra những chiêu marketing rất hiệu quả. Rồi các công ty PR quảng cáo thì vô cùng chuyên nghiệp. Thêm vào nữa là các bộ óc xuất chúng chỉ đạo từ công ty mẹ bên kia. Nên các chương trình quảng cáo này, ngay cả Tony vẫn đinh ninh là nó giúp minh thông minh hơn. Sau này đọc sách báo, Tony mới biết là sữa bò thực chất chỉ tốt cho con bò con, sữa dê chỉ tốt cho con dê con. Cực chẳng đã người ta mất sữa mới mua sữa ngoài, và bị chém đẹp. Kinh doanh những mặt hàng cho em bé như sữa, tả bỉm, y tế, giáo dục…là thoải mái. Vì giá nào cũng phải chịu, ít ai vô trường trả giá tiền học phí hay vô bệnh viện trả giá tiền vắc xin. Đi mua sữa, ai có tiền mua sữa ngoại, ai không có mua sữa nội, nhưng lỡ 1 lần mua sữa ngoại rồi là đành phải theo lao, vì thay đổi loại sữa, em bé sẽ dễ bị tiêu chảy. Nên bữa nay lỡ mua hộp sữa hiệu A này giá 500 ngàn, mai nó tăng lên 700 ngàn vẫn cứ phải mua.

Bài viết của Tony chỉ là 1 câu chuyện nhỏ về đạo đức trong kinh doanh, với hy vọng là làm sao nghịch lý giá sữa và thuốc thì cao ngất, trong khi bia rượu thuốc lá giá quá rẻ như vầy, cần phải được xem xét lại. Là người Việt, dù giọng nói vùng miền khác nhau, học hành khác nhau, công việc khác nhau nhưng đều là người Việt cả. Người nước ngoài họ đến kinh doanh, kiếm tiền và ra đi. Chỉ có dân tộc mình là trường tồn mãi mãi. Một dân tộc cao lớn, thông minh phải bắt đầu từ những đứa trẻ khỏe mạnh.

Một bên là các đại gia liên kết nhau, neo giá sữa và thuốc tây cao ngất, lãi thật nhiều. Còn bên kia người tiêu dùng, chắt bóp chi tiêu, liêu xiêu đói rách, miệng mồm méo mó nhăn nheo. Bớt xuống 1 chút. San sẻ 1 chút. Mình chẳng bớt giàu nhưng bao nhiêu người bớt ngặt. Đó cũng là lời nhắn nhủ của Tony đến các bạn người Việt làm ở các tập đoàn đa quốc gia này. Dù các cuộc họp với các sếp bằng tiếng Anh, nhưng bạn mãi mãi sở hữu một trái tim Việt, bạn hãy đấu tranh để không tăng giá nữa. Hãy biết thương đồng bào mình, hãy thương những tiếng trẻ khóc xé đêm…



Giáo trình 100 bài tài liệu học viện WEST POINT P9

.
Bài 9: Các câu hỏi cắc cớ 

Thỉnh thoảng bạn vẫn gặp những câu hỏi, mà Tony tạm gọi là cắc cớ, thường của nhóm người hoặc ngáo ngơ hoặc thích gây lộn. Ví dụ: mày thấy phở ở Hà Nội so với phở ở Sài Gòn cái nào ngon hơn. Mày đi Trung Quốc, Hàn Quốc thấy gái ở bển so với gái Việt Nam đẹp hay xấu? Mày thấy Thanh Lam hát bài “Nửa đêm ngoài phố” hay hơn hay Bảo Yến hát hay hơn. Bác sĩ tốt nghiệp ĐH Y Khoa Huế và ĐH Y Khoa Tp HCM, ai giỏi hơn. Mày thấy thanh niên Mỹ béo phì hay thon thả….

Và ngày xưa khi còn khờ dại, Tony cũng gân cổ lên cãi với các câu hỏi dạng này. Vì thích Việt Nam nên nói gái Việt Nam đẹp hơn. Thích Sài Gòn nên nói phở Sài Gòn ngon hơn. Thích Bảo Yến nên nói Bảo Yến hát hay hơn. Qua Mỹ được 1 tiểu bang thấy bạn bè toàn béo phì nên nói tụi Mỹ béo lắm, đứa nào chả béo. Rồi suốt ngày cãi nhau với bao nhiêu người, với những câu hỏi tương tự về mọi ngóc ngách của cuộc sống. Rồi giận rồi hờn.

Sau này qua HBS học, thấy học viên nào đặt mấy câu hỏi giống vầy, các giáo sư sẽ chỉ mỉm cười và im lặng. Xong ổng đưa micro cho học viên khác, không thèm trả lời. Mình mới thắc mắc, nói ủa sao thầy không trả lời vậy. Cái ổng mới nói, với các câu hỏi dạng này, nó sai từ phương pháp đặt câu hỏi, nên tốt nhất là im lặng. Nhưng có lần có một thầy cũng trả lời, câu hỏi là theo ý kiến riêng của thầy, Pizza ở Ý ngon hay ở Boston ngon hơn ạ? Thì ổng nói là tui thấy ở Boston ngon hơn, vì tui sống ở đây 20 năm, quen khẩu vị ở đây. Và quan trọng hơn là tui nói ở đây ngon, tui có thể chạy ra tui ăn liền chứ không thể bay qua Ý được. Nói xong, cả lớp cười ồ. Riêng anh người Ý nóng máu lên, đứng dậy phản ứng liền, nói Pizza và mì ống là đặc sản riêng có của người Ý, sao dở hơn người Boston làm được. Vâng vâng và vâng vâng. Cái mấy cánh tay khác giơ lên, định phản biện. Ông thầy mới nói, đừng nên phản ứng vậy, vì sẽ không đi tới đâu, và rất nhảm. Vì sao, ổng giải thích:

1. Nói Pizza ở Ý và ở Boston. Ý là ở đâu? Thành phố nào. Có hàng ngàn tiệm Pizza ở Ý và mấy trăm quán Pizza ở Boston, so sánh dựa trên cơ sở nào, quán nào, loại bánh nào? Có quán sang trọng cũng có quán bình dân. Có quán à-la-carte ( gọi món) và cũng có quán fastfood ( thức ăn nhanh). Có đầu bếp chuyên nghiệp và cũng có mấy bà nội trợ tự làm ở nhà. Còn nếu lấy trung bình hay bình quân hay nhìn chung thì phải có cơ sở, khảo sát bảng biểu đàng hoàng thì mới nói.

2. Ngon hay dở, đẹp hay xấu, xinh hay không xinh, tuyệt vời hay nhảm nhí, sang hay quê, vừa miệng hay không….là các tính từ 100% cảm tính, tức cảm nhận của mỗi cá nhân. Họ có gu thẩm mỹ, văn hóa, giới tính, sự trải nghiệm khác nhau thì sẽ cảm nhận khác nhau. Nên khi tôi nói “ theo ý kiến của riêng tôi”, thì phải được tôn trọng chứ mắc mớ gì cãi lại hay chê bai. Cơ sở nào để mình thì đúng thì người khác thì sai, cơ sở nào cho rằng cảm tính của mình là văn minh còn của người là thấp kém? Còn trích dẫn từ báo chí hay sách vở, thì cũng chỉ là cảm tính của nhà báo đó, quan điểm của tòa soạn đó, của nhà văn đó, của nhà xuất bản đó thôi. Không thể lấy làm chuẩn được.

Như Tony Buổi Sáng, có người đọc thấy hay, nhưng cũng có người thấy dở. Có người đọc và nắm được cái thông điệp truyền tải, có người chỉ coi chi tiết nào hài để cười. Có người nghĩ là “đá xéo” mình, vì cái xấu của mình được ổng mô tả thật quá, nên giận không đọc nữa. Có những cuốn sách nói về tật xấu, có người phải mua cả chục cuốn, vì vừa mua xong, mở ra đọc bài đầu tiên, tưởng nói mình, giận xé sách. Nhưng tò mò nên mua lại, đọc bài thứ hai, lại tưởng nói mình, xé tiếp. Sách có bao nhiêu bài là bấy nhiều lần xé.

Tony mở sách cũ say mê một thời ra đọc, mới thấy các bác nhà mình viết văn cảm tính và áp đặt quá. Món ngon Hà Nội, cảnh đẹp Hà Tiên, nhan sắc Tuyên Quang, cà phê Buôn Mê Thuột ngon nhất thế giới,… đọc thấy toàn ý kiến chủ quan của tác giả. Ai nói ngược lại (đám đông mặc định là đúng vì tư duy lối mòn của mình) là bị ném đá tơi bời. Các chủ đề này suốt ngày gây tranh cãi, cứ có ý kiến mới là đám đông sẽ không chịu, vì khác với CÁI CŨ, CÁI QUEN THUỘC. Tính” thủ cựu” thì Tây Tàu đều bị, Tàu nhiều hơn Tây do giáo dục cứng nhắc rập khuôn, ít sáng tạo, kiểu tầm chương, trích cú của thầy nho xưa, sách có câu, sách có câu…

Thậm chí, để tranh luận khi có ai chê Tony Buổi Sáng viết dở, có người có viện “dòng 30 từ dưới lên, trang 27, cuốn Tam Quốc Diễn Nghĩa xuất bản năm 2990 có nói, ông Tony Tèo là người viết hay nhất thế kỷ 22…” thì cũng chỉ có tác dụng tham khảo. Hay-dở là cảm tính, là ý riêng của ông La Quán Trung chứ mắc mớ gì xem đó là chân lý?



Lấp liếm và mỏi miệng

.
Các bạn trẻ đọc bài này 2-3 lần nhé. Mình phải khác, đẳng cấp, không lấp mỏi tay, không liếm mỏi miệng. TnBS
Lấp liếm và mỏi miệng
Hôm nay mình coi chữ TRUST. TRUST là lòng tin. Lòng tin là thứ quý giá nhất trên đời. The most expensive thing. Mất nhiều năm để gây dựng ( take years to earn), nhưng vì vài ba giây làm mất ( a matter of seconds to lose). 
Các bạn trong hãng vui lòng ghi việc cần phải làm vào sổ. Việc gì chưa làm, do quên, nếu được nhắc, lập tức làm ngay. Tuyệt đối không được lấp liếm nói đã làm rồi. Ráng bịa ra đã gọi nhưng ông đó chưa bắt máy. Dạ đã gửi mail cho ổng, ổng nói OK anh. Nhưng thực tế là chưa, lúc đó mới làm. Anh sẽ kiểm tra ngay lập tức và hậu quả thì mọi người đã biết.
Anh không chấp nhận mọi sự không trung thực từ nay về sau. Chưa làm thì nói chưa làm. Không làm thì nói không làm, anh giao người khác phụ trách. Mình nói dối, ăn cắp, dù chỉ 1 lần thôi, nhưng sẽ đánh mất lòng tin từ người khác. 1 LẦN BẤT TIN, VẠN LẦN BẤT TIN. Ông bà mình nói có sai đâu. Cái này mình tự trách mình chứ không trách người khác, tất cả là do mình hết. 
Thương lái Trung Quốc làm mất lòng tin của người dân Việt Nam vì họ đã nói 1 đằng làm 1 nẻo, tự đánh mất lòng tin, chứ không phải là người Việt Nam tự nhiên không tin họ. Vợ không tin chồng thì chồng nên coi lại mình, sao để vợ không tin thế. Nhà cung cấp không cho khách hàng nợ nữa, lỗi là tại khách hàng, cứ đàng hoàng tử tế đi, đến hẹn là trả nợ, kẹt tiền thì nói kẹt và xin gia hạn thì làm gì có chuyện không ai cho NỢ. Có nhiều đối tác hãng mình, cứ tiền mặt trả trước thì mới nói chuyện, vì mấy lần chính miệng giám đốc gọi điện nói là ngân hàng fax lệnh chuyển tiền liền…nhưng có đâu. Tuần sau mới trả. Lúc đó lại lấp liếm cái máy fax bị hư, cái tài khoản ngân hàng hết tiền giải ngân, rồi thậm chí con bé nhân viên ngân hàng nó bị đau tay nên không fax được. Thấy coi thường khi nghe những lời bao biện như thế.
Có lần Tony thuê đơn vị sửa chữa nhà ở Thủ Đức . Cậu chủ thầu xây dựng đi lên đo đạc để báo giá. Đang làm thì điện thoại reo, nó nói “ rồi rồi, đang chạy qua đây, tới đường Lê Văn Sĩ rồi, còn 5 phút nữa tới. Chờ em chút” rồi cười hềnh hệch. Nói “ông khách kêu qua kiểm tra chất lượng công trình em xây cho ổng năm ngoái, nó bị thấm nước. Nhưng em ưu tiên anh trước”. Thấy sợ quá,Tony nói khỏi báo giá đi em. “Vì công trình của anh vài bữa nếu bị sự cố vậy, em cũng nói lấp liếm vậy chắc anh chết. Em nói 5 phút qua ngay, ông kia ngồi đợi, trong khi đó từ đây qua bển cũng mất 1 tiếng. Em làm mất thời gian của người khác, thay vì em nói thật 1 tiếng nữa qua, thì ông kia lại có thể sắp xếp công việc đi đâu đó, thay vì ngồi chờ rồi sốt ruột rồi gọi, rồi lại nghe 1 phút tới liền..nhưng em đang tận Thủ Đức. Cả xã hội này bị lãng phí thời gian kinh khủng nếu ai cũng 1 dây chuyền nói dối như em”.
Rồi có ông khách hàng, thấy đạo mạo cũng hay nói chuyện đời. Bữa ngồi nhậu chung, ổng vừa kêu thức ăn, khui bia ra chuẩn bị uống. Thấy điện thoại reng, vợ hay con gì đó gọi, ổng nói đang trên đường về. Sắp tới rồi, đang kẹt xe chỗ cầu Thị Nghè, chờ chút đi. Rồi cười ha hả, nói cứ nhậu thoải mái đi, khuya anh về cũng được. Mình thấy khinh bỉ liền, nói dối cả với con nít. Nên thôi, không có nhậu lần 2. Nhìn mặt thấy khinh bỉ thì tôn trọng gì được mà cụng ly, mà nói chuyện. Vì thể loại nói dối riết thành quen mồm, gặp ai cũng nói, làm gì cũng không thành thật được. Chuyện vô thưởng vô phạt cũng xạo cho được. Nếu bạn thuộc thể loại này, thì gặp ai cũng nên im miệng. Không ai nói bạn bị câm.
Cả cuộc đời mình nên xây dựng lòng tin, từng li từng tí một. Vì không còn lòng tin thì chính mình mới là người thiệt hại. Có sao nói vậy, thành thật, trung thực…thì sẽ có cảm tình từ người khác. Và lúc đó, muốn gì cũng được, làm gì cũng thuận lợi. Vì người ta tin.
Còn cứ nói dối, thì cứ phải chạy theo. Phải động não nghĩ ra cách chống chế. Và trí nhớ phải tốt để nhớ hôm bữa mình lấp cái gì, liếm cái gì…
Cả đời không khá nổi vì hẻm có ai tin. Cả cuộc đời cứ lấp và liếm.
Có khi lấp không được, thì phải đào lên mà liếm….


Chuyện cái mắt kính

.
Ở Đức, hành vì quay bài, quay phim trong lớp bị xem là hành vi gian dối nghiêm trọng nhất. Nên nếu phát hiện ra, học sinh sẽ phải lên làm việc riêng với ban giám hiệu, họ cho vô phòng riêng đóng kín cửa lại chứ không có sỉ nhục học sinh trước mặt người khác. Sau đó, học sinh phải nhận thức được hành vi ăn cắp kiến thức này là nhục nhã, là xấu xí. Họ sẽ khuyên giải, và học sinh viết bản kiểm điểm, sẽ thề là không bao giờ ăn cắp nữa, sau đó họ sẽ cho về. Nếu tái phạm thì sẽ bị đuổi học ngay lập tức. Và tên của học sinh này sẽ đưa vào danh sách đen ( black list) của hệ thống trường Đức trên khắp thế giới, sẽ không có trường Đức nào nhận học sinh này nữa. Vì họ quan niệm, đã thề rồi mà còn vi phạm là không có lòng tự trọng. “Mistake is acceptable, but we don’t accept if you repeat the same mistake”. Một công dân không có lòng tự trọng thì đất nước đó không thể tự cường. Sản phẩm của nền giáo dục Đức không có thể loại ăn cắp và nói dối. Ai ăn cắp kiến thức mà cầm được cái bằng Abitur ( bằng tú tài), sẽ gây xấu hổ cho nước Đức.

Và rất nhiều quốc gia Á Châu học tập cái này từ Đức áp dụng cho nền giáo dục của họ. Điển hình là Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore và gần đây là Thái Lan. Và ngoài xã hội, các hành vi ăn cắp như vậy cũng bị trừng phạt rất nghiêm khắc, ví dụ tội cầm nhầm đồ trong cửa hàng, siêu thị. Shoplift là động từ chỉ việc cầm nhầm. Ở nước ngoài, người ta khinh bỉ các shoplifter kinh khủng, và rất nghiêm khắc để trị tận gốc căn bệnh shoplifting này. Một khi phát hiện nếu còn nhỏ sẽ bị phạt roi, quất vào mông. Còn già rồi mà vẫn cầm nhầm, thì họ sẽ bắt ngồi đọc đạo đức, đọc đến khi nào mỏi miệng thì thôi. Nên ai bị một lần là tởn, hoặc thấy người khác bị vậy mà sởn gai ốc, khi nhìn thấy “mỡ treo”, “miệng mèo” sẽ phải tự nuốt nước bọt. Vì không được phép ăn. Vì không phải của mình.

Chuyện ở Thái Lan, lâu rồi, đoàn khách của một công ty lớn ở Việt Nam sang chơi. Chị sếp ni quen thói hống hách, cứ vào chỗ shopping ghé lấy cái gì thì nhân viên dưới quyền mặc nhiên hiểu là phải trả tiền, coi như tặng quà. Thế là lúc vào cửa hàng miễn thuế trong sân bay Băng Cốc, chị nhón lấy cái mắt kính 120 USD, rồi thản nhiên bỏ vô giỏ, đi ra. Cậu trợ lý mới vô làm, có vẻ ghét cái kiểu này, nên thay vì trả tiền cũng bỏ ra ngoài luôn. Thế là đi được đâu 10 phút, chuông báo động ầm ĩ, bảo vệ rầm rập chạy đến, còng tay chị lại, lôi đi. Chị phủ nhận liền, nói không có. Chị chửi khí thế “ ụ mạ mi ụ mạ mi, răng lại bắt chụy”. Nó mở giỏ ra, thấy cái mắt kính. Rồi bất chấp chị chửi bới vang dội, tụi nó lôi đi xềnh xệch vô phòng cách ly, chiếu lại cho cái phim lúc nãy chị đã cầm nhầm như thế nào. Rồi tụi nó hủy chuyến, nhốt 2 ngày trong phòng riêng, cơm bưng nước rót đàng hoàng. Chị chỉ việc ngồi và đọc câu “ tôi là Trần Thị A. Hôm nay tôi đã hiểu việc ăn cắp là sai trái, tôi thề tôi sẽ không bao giờ ăn cắp nữa. Tôi thề trên danh dự của tôi, của con tôi là Nguyễn Văn Y, Nguyễn Thị Z. Tôi sẽ không bao giờ ăn cắp nữa để con tôi không nhục nhã vì mẹ nó”. Nó bắt đọc 1000 lần. Đâu tới 900 lần thì miệng chị đã méo qua 1 bên vì mỏi, nên chị khóc nức nở, “ bọn ni ác chi mà ác rứa, răng mà bặt chị đọc hoài”. Nó nói đủ 1000 lần đi, rồi bay về, và chị lại tiếp tục “ tôi là Trần Thị A, tôi…”

Nó nói chị đã già rồi nên nó mới làm nhẹ. Nếu chị mà là đứa thành niên là nó quất roi vào mông. Nên trên nhiều chuyến bay, nếu bạn thấy mấy cô cậu trẻ trẻ mà cứ đi đi lại lại, thì có khi cái mông đã sưng tấy. Nên không ngồi được.



Lời thề Hippocrates

.
Mấy năm trước, một đệ tử tên Bình đến tạm biệt anh Tony về Đắc Nông làm việc. Bình lúc đó vừa tốt nghiệp bác sĩ ĐH Y khoa, và quyết định về quê chứ
không bám trụ Sài Gòn. Nó nói em thi trường y, thật ra là không đủ điểm nếu không được ưu tiên. Nên em phải về, chính cái chữ "miền núi" đó đã giúp em có một cơ hội vào giảng đường. Rồi sau vài năm nữa, nếu muốn học tiếp thì có thể em lên lại Sài gòn, thì cũng không muộn anh há. Mình nói ừa, thanh niên còn trẻ, cứ trải nghiệm chỗ này chỗ kia. Tụi Nhật tụi Tây nó còn lang thang ở tận châu Phi sau khi tốt nghiệp nữa là. Ở trên đó, em còn có thể trực tiếp chẩn đoán mổ xẻ, chẳng mấy chốc mà kinh nghiệm làm việc còn hơn các bạn ở đây, khi ra trường chuyên môn chỉ dừng lại ở việc pha trà rót nước cho các cây đa cây đề. Làm không công ở bệnh viện lớn mấy năm trời làm gì em, em đào tạo làm bác sĩ mà, sao lại toàn phát thuốc, chích thuốc. Lãng phí quá.

Sống trên đời biết ơn nghĩa với người, với vùng đất em sinh ra, với vùng đất em lớn lên là đáng quý. Lòng biết ơn là cái giúp con người khác các động vật
khác, anh vẫn quan niệm là ai cử mình đi học, thì phải về. Nhiều bạn được cử đi nước ngoài xong tìm cách ở lại nước ngoài hay chỉ về thành phố lớn, dẫn đến các tỉnh hay các trường đại học ở tỉnh phải kiện tụng đòi lại tiền, rồi mệt quá mà dẹp luôn chương trình này, thế hệ sau mất cơ hội đi du học, mình thấy có lỗi với đàn em không? Nhiều bạn nói em ở lại thành phố là để nâng cao trình độ, học thêm để phát triển chuyên môn, thì có gì sai? Vậy cuối cùng mục đích sau khi nâng cao trình độ rồi là gì, có về quê không? Chắc chắn là không, như vậy thì mình là người ích kỷ, chỉ nghĩ cho mình. Ví dụ nhé, vì 100 ngàn dân trên đó quá ít bác sĩ, nên dù chỉ có 20 điểm em đã đậu vào trường Y khoa, lẽ ra phải là 25 điểm, em lấy mất suất ngồi giảng đường của cả trăm bạn ở thành phố đạt mức điểm 24,5. Mục đích của chính sách này là đào tạo em để trở về và giúp đỡ người dân trên kia. Giờ em cũng bon chen ở lại thành phố, tiếp tục để 100 ngàn dân trên miền núi tiếp tục chết vì thiếu bác sĩ, thì mình bạc tình bạc nghĩa lắm em à. Nên làm gì thì làm, đừng có đánh mất mình vì chút vật chất cỏn con, em hãy kiêu hãnh để ngẩng đầu với chính em. Chia tay, mình tặng nó cuốn sách “You Can Win” mà mình rất ưa thích, và dặn dò, dù gì đi nữa, phàm đã chọn nghề y cao quý, thì chớ có quên lời thề Hippocrates. Nghen em.

Sinh viên y khoa khi tốt nghiệp, đều phải tuyên thệ, còn gọi là lời thề Hippocrates, ông tổ của ngành y phương Tây. Coi như lời hứa danh dự của nghề. Mà tiếng Việt mình cũng hay, có hai nghề mà người ta gọi là bác, là bác sĩ và bác tài, đơn giản vì giống nhau ở chỗ, đều nắm sinh mạng của người khác trong tay. Nên khi hành nghề phải tuyên thệ, vì một phút chốc nào đó, chất con nổi dậy lấn át chất người, sẽ vì mình hay vì tiền mà đánh đổi mạng sống của người khác. Những nhiệm vụ lớn lao, người ta bắt buộc người nhận nhiệm vụ phải quỳ xuống tuyên thệ, vì chỉ còn cách duy nhất là đánh vào tiềm thức, đánh vào lương tri, tận sâu trong tâm khảm họ. Và một khi đã tuyên thệ, người ta sẽ sợ hãi khi vi phạm, một nỗi sợ vô hình.

Nói đến nghề y mới nhớ, hồi còn ở quê, ở đầu thị trấn có một bác sĩ, tên A. Lúc đó còn học tiểu học, có lần sáng ngủ dậy, mình bị sốt cao rồi ói. Bà dì chạy ra vườn hái lá chùm ruột giã rồi đắp trên trán cho mát, nhưng một hồi sau thì tình hình cũng không khả quan hơn, sốt còn cao hơn nữa, mặt mũi xanh lè. Má mình phải nghỉ dạy, lật đật đạp xe đèo con chạy ra thị trấn, ghé nhà bác sĩ A nhờ khám. Xuống xe, mình đi loạng choạng vào sân nhà ổng và có ói một ít vào bồn hoa, thật ra cũng chỉ toàn nước. Ổng đi ra, đứng trên thềm cao, mặt mũi khó chịu nói sao chị lại để cháu ói vào bồn hoa, hai mẹ con đi đâu có việc gì. Má có la mình, nói sao con lại ói vào đó, rồi đứng khép nép nhìn lên, ánh mắt van lơn, nói bác sĩ ơi giúp giùm con chị, nó bịnh đột ngột quá. Mà bữa nay nhà chị không có tiền, chị chưa tới kỳ lãnh lương nên khi nào lãnh chị sẽ mang ra liền. Thấy ổng chần chừ nên má mình cũng tỏ ra khá lanh lợi khi đề cập là có quen cô X, cô Y, tức các cô giáo cùng dạy trong trường nhưng có nhà ở gần đó, để ổng yên tâm là không bị xù. Nhưng ổng nhìn nhìn hai mẹ con, nhìn chiếc xe đạp mini cà tàng rồi phán, thôi chị đi chở cháu đi chỗ khác đi, tui đang bận. Mình vẫn ngồi dưới đất và ói. Má mình năn nỉ nói bác sĩ cho cháu vô nhà, coi cháu giùm một chút có sao không, nếu nặng thì chị chở ra bệnh viện, làm ơn làm phước giùm chị, chị mang ơn suốt đời. Ổng nhìn cái bồn hoa và tức giận bỏ vào nhà, đóng cửa lại. Má, một người phụ nữ với đứa con bé bỏng bên cạnh, cảm thấy bất lực và tủi thân, đứng khóc như mưa. Làm mình cũng khóc, con nít mà, thấy mẹ khóc là hay khóc theo. Rồi sau đó hai mẹ con ra bệnh viện huyện, ở bên kia cầu Dinh, có ông y sĩ lấy viên thuốc màu vàng đắng nghét cho mình uống hạ sốt, nằm nghỉ một lúc thì về. Mình nhỏ xíu, đội cái mũ vải rộng thùng thình của chị Hai, ngồi phía sau xe đạp như con cóc, vịn chặt cái yên xe vì sợ té.

Lúc đạp xe đi về ngang qua nhà ổng, mình có ngoái nhìn vào. Coi cái chỗ lúc nãy ói đã có ai dọn chưa, tự mình cảm thấy sợ hãi vì cái tội ói vào bồn hoa nhà bác sĩ. Và ám ảnh đến bây giờ, khi thấy ai đó dửng dưng trước mạng sống của người khác. Và giá trị của một cậu bé thông minh đẹp trai như Tony vầy mà chẳng đáng bằng cái bồn hoa?

Và trên khắp đất nước hình chữ S này, không khó để chúng ta có thể bắt gặp hình ảnh những người mẹ gầy gò, quần đen và chiếc áo sơ mi đã sờn, đội nón lá, gồng mình đạp xe chở những cậu bé, cô bé nhỏ xíu như cái kẹo ngồi đằng sau ba-ga để đến trường. Với một niềm tin tươi sáng, rằng thế hệ người Việt tiếp theo sẽ không khổ cực như cha mẹ chúng.

Và cậu bác sĩ mà Tony nói ở đầu bài, sau khi về quê, trở thành một bác sĩ đầy tâm huyết, sẵn sàng đến các thôn bản xa xôi để chữa trị cho mọi người. Làm nhiều nên chuyên môn cực giỏi. Một ngày làm việc, buổi tối vẫn đều đặn đi tập tennis rèn luyện thể lực và đến nhà thầy dạy tiếng Pháp trong thị xã Gia Nghĩa để học thêm tiếng Pháp, thường xuyên email với Tony và lâu lâu lại xuống Sài Gòn thăm Tony để tiếp thêm sức mạnh. Nói cứ mỗi lần em lười biếng, chán nản vì buồn chán, vì ở quê chẳng có gì chơi, thì lại nhớ đến những lời anh dặn dò, nhớ đến lời thề Hippocrates bên ngôi trường có cái hồ Bao Tử thân yêu. Em lại điên cuồng lên mạng và nghiên cứu chuyên môn.

Và bây giờ, cậu ấy đang thay đồ để tối nay đáp chuyến bay đi Paris học lên cao nữa, theo một học bổng toàn phần của chính phủ Pháp. Học bổng này ưu tiên cho bác sĩ công tác ở vùng sâu vùng xa, nên cũng dễ đạt được hơn. Chúc em sẽ thành công trong tương lai, chắc chắn là như vậy. Người có tâm tốt, không ích kỷ, nghĩ về người khác, thể nào cũng hạnh phúc.

Bon Voyage, Bình !



480 USD ++

.
“ Cháu xin chào Tony Buổi Sáng! Cháu làm hướng dẫn viên du lịch. Lần gần đây nhất cháu dẫn khách đi may áo dài. Cháu được giới thiệu tới một nhà may theo cháu thấy cũng khá ổn, khách rất thích. Nhưng có điều là nếu ai dẫn khách tới sẽ hưởng 10% hoa hồng. Ban đầu cháu thấy việc này cũng bình thường. Cháu lo lắng không biết việc nhận số tiền đó có làm cháu dần dần sẽ hình thành thói quen xấu ( như chỉ dẫn khách tới cửa hàng duy nhất đó thôi) hay không ( dù sản phẩm cung cấp cho khách không phải là tồi). Cháu rất mong sẽ nhận được câu trả lời của chú!”

Tony trả lời: Vui lòng gọi dượng xưng con cho nó Nam Bộ. Vì tui gốc Cần Thơ nghen cô nương. Việc điểm du lịch gửi lại 10% cho hướng dẫn là bình thường. Có tiền mới có động lực làm việc. Chỉ sai khi dịch vụ hàng hóa ở đấy kém mà mình ép khách vô cho được. Hay chủ động gửi giá, áo dài 1 triệu chứ nói cửa hàng báo giá cho khách 2 triệu, rồi mình ghé lấy sau. 10% là hợp lý cho ngành dịch vụ, ở nước ngoài người ta cũng boa 10-15%, mình biến tướng nó mới ra tiêu cực.

Còn việc sử dụng 10% đó thế nào là tùy mình, ngay cả khách hỏi mình cũng nói luôn, chả sợ. Kêu cửa hàng cắt thẳng vào giá cho khách, hay lấy rồi cho lại khách hay mình cất, đều được. Giống như tiền tip. Đưa thì lấy thôi, miễn là phải phục vụ cho tốt. Không sĩ diện nhưng cũng không chụp giật.

Kể nghe chuyện cũ. Thời còn sinh viên, có lần dượng đưa đoàn khách Nhật đi mua ở 1 cửa hàng gốm sứ. Khách mua 200 USD và hướng dẫn được 20 USD. Xong dượng nhận, ra khỏi cửa hàng, gửi lại 20 đô này cho khách, nói tiền hoa hồng của hướng dẫn đó, tao gửi lại mày. Khách rú lên từng hồi vì sung sướng, trước khi ra sân bay về nước, gửi lại 1 lá thư. Trong thư viết “ Tụi tao xúc động vì cách mày thể hiện, có 20 USD mà mày cũng đưa lại. Mày lại quá đẹp trai và ăn nói có duyên. Tao và bạn bè sẽ quay lại đất nước này vì Việt Nam có những người dễ thương như vậy”. Kèm theo 500 USD.

Hỏi, qua hành động trên, Tony và đất nước của anh ấy đã lãi được bao nhiêu đô?

( Đề thi hạc sinh giỏi dành cho hạc sinh tiểu hạc năm 2020)



Trí khôn của Tony

.
Thời Tony vừa tốt nghiệp, lượng sinh viên ra trường còn ít, nên Tony và đồng bọn nghĩ mình ghê gớm lắm. Đứa nào mới rời đít khỏi ghế nhà trường không vậy. Nghĩ mình hạc hành thế này thế kia phải bước vào những tập. đoàn lớn như Boeing Airbus. Kỳ vọng lớn nên vào làm công ty nào cũng thấy không hài lòng, ba bữa là nghỉ. Lương thấp nghỉ, môi trường không có nói tiếng Anh-nghỉ, sếp xấu nhìn nhức đầu-nghỉ, đồng nghiệp hôi nách cũng nghỉ. Một trong những đề tài bọn mình lúc đó hay cafe là để nói xấu sếp. Mấy nhóc chỉ hơn 20 tuổi đầu nhưng nghĩ mình khôn, còn ai cũng ngu (mà lại làm sếp, chỉ đạo mình akkaa). Thường mà những ai nói người khác ngu thì chính bản thân họ chưa trưởng thành, dù tuổi lớn thế nào. Vì trí tuệ và vốn sống chỉ có vậy, nên thấy không giống ý mình là khó chịu, chê ngu, chê dốt. Nhưng cũng nên thông cảm. Ai cũng cần có 1 thời bé dại để lớn lên.

Trong khi chờ đợi những tập đoàn lớn tuyển dụng để nói dối rồi trốn đi phỏng vấn, việc kiếm 1 cty tư nhân vào làm đỡ cũng là một giải pháp khôn. Nên đứa
nào ngồi nhà chờ việc thì sẽ bị đồng bọn chê ngu. Nói đi làm đại đi, kiếm đại việc gì đó làm, kiếm vài triệu tháng chơi, rồi chỗ nào ngon kia đồng ý nhận thì kiếm lý do nghỉ. Nên phỏng vấn công ty tư nhân nào cũng giả bộ hứa hẹn, kiểu em sẽ gắn bó công ty mình đến suốt cuộc đời, hay em sẵn sàng bảo vệ công ty mình bằng máu của em. Em ngưỡng mộ anh, em ngưỡng mộ chụy. Nhưng có chỗ ngon là lật đật xin nghỉ liền, nói gia đình em có việc, em phải về quê. Hay em phải hạc lên cao nữa. Hay em bị bệnh nhức đầu kinh niên, phải nghỉ làm để chữa. Chỉ tội mấy công ty tư nhân kia, họ cứ nghĩ bọn này nói thật, chia tay ngậm ngùi, dặn dò tùm lum, chúc em này nọ…Thiệt đúng ngu luôn.

Trong lúc chờ mấy cái cỡ như Boeing tuyển dụng, Tony cũng xin việc làm đỡ với suy nghĩ thật khôn ấy. Nào công ty TNHH Hoàng Hôn, TNHH Lam Chiều Tím Biếc, nhiều đến nỗi giờ chả nhớ hết. Công ty khá được 1 tháng, còn thông thường là 1 tuần. Chỉ có 2 công ty để lại ấn tượng nhứt. Công ty đầu có sếp nữ. Cả đám nhân viên mới vô suốt này nói bà ngu, cái gì cũng nói ngu cho được. Chụy ấy thì đâu có thừa nhận, ngày nào cũng xoen xoét cãi lại " chuỵ ứ chịu đâu, chuỵ khôn lắm nhé...".Thế là sinh nhật của chụy, tụi nhân viên trẻ tụi mình tặng cho 1 kg muối i ốt. Bọn này nói thêm, ai tặng gạo vào muối tức ý muốn chuỵ sung túc đấy. Thế là chụy vui sướng khôn xiết, ngày nào cũng lấy muối ra ăn. Nhưng đâu được 2 tuần thì chụy kêu cả bọn vào phòng, đóng cửa cái rầm, bảo " Hôm qua xem tivi, có câu khẩu hiệu là hãy dùng muối có chứa i ốt để phòng bệnh đần độn, chuỵ hiểu ra rồi nhé. Mấy người nói chuỵ vậy sao, chuỵ hận mấy người, chuỵ hận, chuỵ hận, mấy người hãy đi đi "( chị này xuất thân là diễn viên đoàn cải lương Hương Mùa Thu dưới Cà Mau, chuyên đóng vai đào mùi). Nhưng tụi này nghĩ muối thấm vào người chị 2 tuần nên chị đã thông minh lên. Thế là Tony và đồng bọn bị đuổi việc.

Qua cty thứ 2 thì đâu được 2 ngày thì đồng bọn phát hiện ông sếp cũng ngu nốt vì ổng không biết dùng máy scan và phát âm tiếng Anh buồn cười vãi. Fax mà đọc là phắc, suốt ngày nhắc nhở "Lan ơi em phắc cho anh chưa, em bận thì nói cái Tuyết nó phắc giùm, rồi sao sáng giờ chưa phắc Hồng Kong, phắc Pháp, phắc Mỹ....". Người ngoài nghe tưởng cái Lan là đứa lăng loàn xuyên quốc gia. Thế cũng là sinh nhật của ông ấy, anh em trong phòng bèn cùng nhau tặng ông ấy 1 hộp sữa có chứa DHA. Ông ấy cũng lại vui mừng khôn xiết, sáng chiều đều lôi ra uống. Uống mãi đến 1 tháng sau, lòi ra miếng giấy dưới đáy lon ghi rõ "sữa có DHA giúp thông minh", ông ấy hiểu ra nên kêu cả phòng lên. " Các em phải rời công ty trong vòng 7 phút" - he said. " Em có thể rời công ty trong vòng 6 phút"- said Tony. Nói qua nói lại một hồi kiểu game show thì Tony nói " Em có thể rời trong vòng 1 phút". . Ông ta giận dữ " mời em rời".

Thế là lại bị đuổi việc. Gọi í ới đồng bọn, tao bị đuổi rồi nè, đi cafe đi. Và đồng bọn nói chờ tao chút, để kiếm gì vô chọc sếp cái đã. Đâu 1 tiếng sau thì cả bọn bị đuổi việc sạch trơn, ra Hồ con rùa uống cafe rồi đi hát Karaoke inh ỏi.